Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2008

Thày Nhân

Trương Bích Đào
Tôi không biết họ của Thày. Chỉ biết tên Thày là Văn Nhân. Khi ký tên trên các bức tranh biếm họa hay các tác phẩm nghệ thuật của mình Thày cũng chỉ dùng ký tự viết tắt 2 chữ Văn Nhân mà thôi. Năm 1968 Thày được chuyển từ Phú Thọ về Hà Nội dạy lớp chuyên văn của chúng tôi (khóa chuyên đầu tiên của Hà Nội. Ngày đầu vào lớp trái với thày chủ nhiệm dạy toán nhiệt tình sôi nổi, thày Nhân có vẻ lạnh lùng lãng tử gì đấy. Thày cao, gầy với nước da tai tái và mái tóc bồng bềnh. Buổi đầu tiên trò chuyện với lớp thầy giới thiệu tên của mình với lớp là Văn Nhân. Tôi chỉ nhớ đại khái là chữ Văn ở đây là tên đệm theo tục của các cụ Việt Cổ.Con gái thì đệm thị "thị Tèo-Thị Nở" con trai thì đệm văn "Văn Tuấn-Văn Hùng" và cả "Văn Minh". Nhân ở đây theo nghĩa chữ Hán tức là người. Văn Nhân là tên tôi cũng như nghiệp của tôi là người dạy văn vậy. Chữ thày Nhân đẹp lắm. Thày viết bảng không có dòng kẻ mà chữ cứ đều tăm tắp, nét thanh nét đậm hào hoa phong nhã. Thầy cũng nói, Văn là Hồn-là người. Chữ viết biểu hiện tính cách của mỗi con người (nghe thày nói tôi cũng cố gắng luyện chữ xong chữ tôi vẫn xấu đều như con người của tôi vậy). Lên lớp giờ dạy văn tôi thấy thày ít mang theo giáo án, nhưng bài giảng của thày bao giờ cũng súc tích phong phú. Khi giảng thày thường có câu chuyện minh họa ngoài lề hay những nét chấm phá tinh túy làm cho giờ văn trở nên sinh động và trôi nhanh hơn. Tôi còn nhớ khi thày giảng bài "Người ngựa- Ngựa người" để giúp chúng tôi hiểu về chiếc xe kéo thời đó, chỉ bằng mấy nét phấn đã hiện ra chiếc xích lô thời nay và chiếc xe kéo thời đó. Tài hoa là vậy nhưng thầy rất ít cười mà có cười thì cũng chỉ cười nửa miệng chứ không hết cỡ thoải mái như thày Lân. Vẻ mặt thày lúc nào cũng thoáng hiện nét buồn và giọng nói tuy hóm hỉnh nhưng vẫn đậm nét chua cay. Mãi đến 20-11 đến thăm thày tôi mới biết nhà thày ở ngõ Tràng An một ngõ cổ mang đầy nét đặc trưng của người Hà Nội. Thày có vợ và một người con nhưng con thày đã hơn 3 tuổi nhưng chỉ biết nằm để bố mẹ phục vụ, có lẽ vì thế nó tạo nên nét buồn và giọng nói nhuốm màu chua cay của thày chăng? Lớp tôi có 17 dân văn nhưng chẳng làm nên trò trống gì cả chỉ có mỗi "Đại tướng" được vào đội tuyển văn miền Bắc xong không có giải.Trái ngược lại đội tuyển toán hoành tráng lắm giật hết giải cao đem vinh quang về cho thày Lân và trường Dịch Vọng II...Bốn mươi năm trôi qua, hồi đó bọn tôi không mang lại niềm vinh dự vẻ vang cho thày nhưng với sự dạy dỗ của thày đã tạo cho xã hội "Văn minh" 17 gia đình tốt mang đậm nét văn hóa Tràng An tuy không còn hậu duệ mang tên đệm là thị là văn nữa.
Hà Nội 16-11-2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.