Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

Tiền Gala Sống Gấp

Theo đúng hẹn 11h30 ngày 27-9-2010 tụi mình có mặt tại số 1 Trấn Vũ dự đám cưới con trai Quỳnh Chi. Đào đến sớm nhất, rồi Cường, vợ chồng Thôn, Hiền và mình. Tụi mình lên và chọn chỗ ngồi. Rất may là Đào chọn bàn ở góc phòng chứ nếu không chắc hôm đó không thể kê thêm được 7 ghế nữa và có thể không có những nụ cười tươi đến như thế nhất là Quỳnh Chi.





Lần lượt các bạn Bích Ngọc, Kim Anh, Minh Khôi, Trung Nghĩa, Trần Dũng, Cấn Lân, Chí kéo đến. Cứ mỗi lần có thêm bạn đến Hai Lúa lại đi tìm ghế kê thêm thay vì đem gạo từ sài Gòn ra mừng hai cháu đấy Tẫu ạ. Thêm người thêm ghế, chật chút nhưng chẳng ai muốn ra chỗ khác ngồi cả. Vui nhất là Khôi bảo "May tớ gặp Trung Nghĩa chứ không lại về như đám cưới con Cấn Lân rồi.". Tụi mình chia nhau bát đũa, đứa dùng thìa đứa dùng đũa, đứa dùng bát to bát nhỏ khác nhau nhưng chẳng thấy bất tiện tý nào mà chỉ thấy vui thôi. Lại có dịp được ngồi bên nhau cười nói thật thoải mái vui vẻ. Phải cảm ơn Quỳnh Chi vì đã chọn ngày thật khéo, gần với dịp lễ Nghin năm Thăng Long-tụi mình đùa bảo đây là Tiền Gala Sống Gấp đấy.
Lần này 7D lại xuất hiện nhân vật mới với rất nhiều câu chuyện thú vị. Chắc nhiều bạn xem ảnh sẽ không nhận ra Chí. Mình thì cảm giác bạn trẻ hơn so với bạn khi sắm vai ông đồ trên VTV2 giảng giải về thư pháp. Tụi mình cũng nhắc đến Xuân Hòa và nhiều bạn cũng bảo Xuân Hòa khác nhiều nhưng có lẽ do ảnh chụp chứ mình thì thấy Xuân Hòa không khác đi mấy. Chí cũng nhận ra hầu hết các bạn 7D tuy có lúc cũng nhíu trán tý chút.
Tụi mình đua nhau nói, có những lúc mình chẳng nghe được trọn vẹn một câu chuyện nữa. Vui nhất là vụ cãi vã nhau xem dân toán giói hay dân văn giỏi. Đại tướng thì bảo "dân toán át dân văn về quân số " và "dân toán giỏi hơn dân văn." Tụi mình lại bảo bên văn có đại tướng nên toán thua là chắc rồi. Chi to mồm kể "tội" Đại tướng ngày xưa toàn bắt nạt..Thế là cả bọn lại được mẻ cười tươi... Các bạn văn phát hiện ra lớp mình không ai làm chính trị giỏi rồi tự giải thích vì dân toán "một cộng một bằng hai" thì sao làm to được. Dân văn tuy một cộng một bằng không hoặc có thể bằng mười nhưng lại nhân văn nên càng không thể làm to được. Tóm lại lớp 7D mình chẳng có ai làm chính trị được. Cả lũ lại cười rũ rượi vì cái lý luận đó.



Sau khi bàn xong chuyện 7D lại sang chuyện con cái dựng vợ gả chồng. Trung Nghĩa kể chuyện con gái lấy chồng mà tụi mình cười muốn chảy nước mắt, đúng là thời đại "con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy" thật, mà lại phải còn "trật tự " nữa cơ đấy. Khôi còn hứa sẽ hầm đồ mềm khi mời các ông bà 7D đến dự cưới con của Khôi vì các cháu hiện đang học phổ thông. Tụi mình nghe Chí kể chuyện gia đình và nghề viết thư pháp. Nhân đại lễ nghìn năm Thăng Long bạn sẽ phục vụ ở Văn Miếu từ ngày 4-10/10-2010. Bạn nói sẵn sàng viết tặng các bạn 7D chúng mình đấy. Cường và Chí còn nhắc lại kỷ niệm từ hồi 7D bắn súng cao su với từng chi tiết nhỏ, nào là làm thùng nhồi giấy vào bắn cho khỏi thủng tường, rồi lôi từng viên đạn ra...Chị họ Thôn cứ ngồi nghe các anh chị 7D mày tao chi tớ tranh nhau kể hết chuyện nọ sang chuyện kia. Ngọc phải bảo Mai - tên của chị họ Thôn-đừng cười tụi mình vì cứ xưng mày tao, đã thành thói quen rồi thật khó sửa. Đào vẫn y như ở nhà mình vậy, chạy đi chạy lại xách bia cho cả hội. Vui nữa là hôm đó Kim Anh và Hiền đều khỏe và đều rất vui. Các bạn còn đi chơi cùng tụi mình đến 16h cơ đấy.
Gần 14h tụi mình chia tay nhau để mấy bạn nam quay về đi làm. Cả hội chụp ảnh kỷ niệm cùng vợ chồng Quỳnh Chi. Sau đó còn nán lại xem chữ bạn Chí viết tặng hai cháu. Mình mải chụp hình nên không được nghe Chí dịch nghĩa chỉ thấy Quỳnh Chi thắc mắc sao Chí không giải thích chữ to nhất mà lại đi giải nghĩa những chữ nhỏ li ti. Cả bọn lại được mẻ cười no bụng.





Chia tay nhau tụi mình còn lại mấy đứa cùng vợ chồng Thôn kéo nhau lên hồ Trúc Bạch ngồi uống nước nói chuyện. Hiền đưa tụi mình đến cái quán trang trí như Bảo tàng Dân tộc vậy. Tiếc là không gặp chủ nhà để trao đổi với tác giả về các tác phẩm. Mải nói chuyện nên tụi mình cũng không đi xem mà chỉ kịp chụp vài cái ảnh trước khi ra về thôi. Lại nói chuyện rôm rả không ngớt.



Thành công lớn nhất là Đại tướng quyết định sẽ học cách để vào mạng đấy-công của Bích Ngọc với câu chuyện Câu lạc bộ sức khỏe về các chàng Adam 1,2,3...và các tranh luận xung quanh đó...Rồi Câu lạc bộ Organic và các cuộc tranh cãi của 7d nữa...Đại tướng bắt đầu thấy vui khi nghe cả nhà mình bàn chuyện rôm rả trên mạng và blog.

16h tụi mình chia tay nhau hẹn gặp lại vợ chồng Thôn sau chuyến đi Hạ Long về tại quán Ngon của Thành Công ở 51 Nguyễn Cao vào ngày 1-10-2010.
Một ngày thật vui vẻ cùng 7D!

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

Bỏ Làng

Trương Bích Đào

Hồi tôi mới về làm dâu làng Láng, vùng đất này mới được sát nhập từ huyện Từ Liêm sang Quận Đống Đa. Đất nội thành nhưng tập tục vẫn là làng quê ven đô. Làng tôi nổi tiếng với nghề trồng rau gia vị. Húng Láng nổi tiếng khắp Hà Thành : “ Đi đâu ai cũng biết ta

Ta người kẻ Láng vốn nhà trồng rau

Làng tôi không giầu lắm nhưng cũng không phải đất quê nghèo .Trai làng tôi chủ yếu cuốc đất trồng rau .Gái làng tôi đảm lắm , từ 3-4 giờ sáng đã

quẩy gánh rau rong ruổi khắp Hà thành . Từ chợ Hà đông ,chợ Hôm Đức viên hay chợ Đồng Xuân ,Châu Long đâu đâu cũng có người và rau làng Láng.Rau gia vị chỗ tôi lạ lắm ,người ta gọi chung là húng Láng nhưng thực ra nó có tên riêng , húng có hai cách gọi sang thì gọi là húng quế , nôm na dân dã là húng chó . Những chiếc lá húng quế xanh mướt mùi thơm hăng hắc nhưng thiếu nó thì thịt chó có ngon đến đâu , bát tiết canh vịt sang đến mấy cũng vứt .Còn rau mùi của làng tôi không bao giờ để giống toàn mua hạt ở nơi khác ,dân các nơi trồng rau mùi để già lấy hạt bán cho làng tôi hoặc bán cho mọi người tắm tất niên .Giống nơi khác nhưng gieo trên đất làng tôi cây mùi thơm và ngon hơn cả .Người làng tôi thường ăn rau mùi cả rễ .Cây mùi caođộ 4-5 phân nhổ cả rễ rưả sạch , rễ mùi trắng và non mởn tôi ngồi ngoaì sân rửa rau mà khắp nhà sực nức mùi thơm. Còn rau thơm có 2 loại thơm thật và thơm lai ( hay còn gọi là thơm bạc hà ) .Thơm thật chỉ trồng được trên đất làng tôi còn trồng nơi khác lại chuyển thành bạc hà hết .Thơm thật lá nhỏ và dài mầu xanh nhạt hơn thân to hơn , mùi thơm nhẹ mà không ngái .Chị gái tôi ngoài phố rất thích ăn loại thơm này ,tôi cầu kỳ mang đất ra trồng vào chậu hoa cho chị nhưng chỉ dược 1-2 lứa thơm lại chuyển mùi đành chịu thua .Rau làng tôi từ củ su hào đến mớ cải xanh hay cải cúc đều xanh mướt và có cách buộc riêng .Cứ tối đến cả làng đều lách cách tiếng chẻ lạt bằng ống tre mua ở làng bên . Mỗi mớ rau thơm ,mùi, húng hay cải cúc đều được bó lạt nhỏ mớ đơn rồi chập đôi lại mới là một mớ .Bó nhỏ có cái hay nhà ít người các bà nội trợ đảm đang đi chợ chỉ cần vài hào là đủ hết các thức ,nào là xà lách thơm ,mùi ,húng ,canh giới, tía tô .Đĩa rau sống phải đầy đủ gia vị : xà lách trắng ngần ,thơm xanh nhạt , mùi ,húng xanh thẫm canh giới mềm mại và nếu ăn nem chả thì không thể thiếu mầu lá tía tô tím sẫm đệm răng cưa trông thật quyến rũ chứ chẳng ai cho giá sống vào như bây giờ.Rau làng tôi xanh tươi được như vậy là nhờ có nước giải .Khắp làng ngõ chỗ nào cũng có chõ nước giải ,con gái con trai đều đái đứng tất .Hồi mới về tôi buồn cười lắm không thể nào đi được .Thật kỳ lạ thứ nước giải pha loãng tứoi vào cây là chỉ 2-3 ngày sau là rau chuyển mầu xanh mượt mà hẳn lên trông mà thích mắt .Vì thế làng tôi tận thu nước giải lắm chẳng bỏ sót tý nào ,lắm khi còn đánh đánh chửi nhau vì có nhà lấy trộm .Mới về làm dâu tôi hãi lắm khi nghe chồng nói “ Làng mình ăn nước ao , đái bờ rào ,ỉa chuồng lợn” “Ao” ở đây là cái giếng làng may mà sát nhập vào nội thành nên dân được bắc máy nước công cộng, cả làng giặt giũ tắm rửa đều bằng nước ao hết ,được cái hồi đó ao sạch hơn chứ không bẩn như bây giờ.Còn đại tiện thì hầu hết đi chung với lợn .Cửa chuồng lợn được bắc ngang một tấm ván che cái mành thế là thành nhà tiêu,vừa ngồi đi vừa nghe lợn ụt ịt dụi mõm đằng sau .Hồi đó tôi là con dâu ngoài phố đầu tiên của làng nên gia đình nhà chồng tôi cũng xét nét lắm .Được cái tôi hay quan sát và bắt chước nhanh nên dù phải đi làm cơ quan chỉ một năm sau tôi có thể hái và bó rau nhanh đẹp không thua kém bất kỳ ai .

Nhà tôi ở Láng Trung người ta có câu “ Giầu thôn Thượng , lắm ruộng thôn Trung ,anh hùng thôn Hạ”.Thôn Thượng kéo dài từ Chùa Láng lên đến Cầu Giấy , thôn Trung từ Chùa Láng xuống đến đường 73 ( đường Láng Trung và giờ là Nguyễn Chí Thanh ).Thôn Hạ từ đường 73 đến tận Ngã Tư Sở .Xóm tôi là xóm B Láng Trung ,danh giá nhất xóm là nhà cụ lý Nhạc và cụ Cai Ba .Cụ lý Nhạc trước làm lý trưởng làng tôi (lý trưởng cách mạng vì cụ có ủng hộ kháng chiến) cụ có ba vợ sinh được 9 cô nhưng không có con trai ,phải nuôi một ông con nuôi .Khi tôi về bà Cả đã mất chỉ còn bà Hai bà Ba là hai chị em ruột .Cụ Cai Ba chỉ có hai bà sinh được 4 trai 4gái nhưng con trai của cụ đa số đều chết non. Cụ Cai nhỏ người nhưng quắc thước và đẹp ,giọng cụ sang sảng nghe có uy lắm . Ông cả con cụ cũng có hai vợ nhưng mất sớm ,bà vợ cả sinh một trai một gái nhưng cậu em 6 tuổi bị xe bò cán chết,bà vợ hai cũng sinh được một gái một trai nhưng chị lớn bị tật gù lưng vì vậy tất cả những cái đẹp và thông minh đều dồn cho đứa cháu đích tôn. Bà cả chỉ còn có một cô con gái nên xin đất hợp tác xã hai mẹ con làm nhà ở riêng .Cả một dinh thự rộng rãi nhà ngói 5 gian ,nhà ngang 3 gian đều thuộc về mẹ con bà hai .Tôi về được một thời gian thì bà Hai làm thêm một gian nhà ngoài cạnh đường đi của làng cho chị con gái may sửa chữa quần áo còn bà thì vẫn đi làm nhà nước ,còn cậu em trai vẫn là xã viên hợp tác rau Láng Trung . Cụ Cai nghiêm lắm con cháu trong nhà sợ một phép nên khị cụ mất không ai dám về tranh giành nhà cửa đất cát với thằng cháu đích tôn .Cuộc sống tưởng an bài ,vợ chồng tôi chẳng bao giờ dám mơ có được một cơ ngơi như vậy.Thế rồi cậu cháu đích tôn lấy vợ ,một cô gái xinh đẹp dễ thương con một gia đình khá giả ở làng .Hồi đó vợ chồng tôi chắt chiu mãi mới lắp được một chiếc xe đạp cà tàng để đi làm còn cháu đích tôn cụ Cai đã cưỡi xe hon đa 70 chở vợ phóng vù vù khắp làng .Cậu cháu mải chơi chả học hành đến nơi đến chốn nhưng được cậu nhanh mắt nhanh tay và mồm mép cũng khéo. Cậu không cuốc vườn mà bỏ đi làm thợ xây .Chỉ 3-4 năm sau cậu đã đứng ra làm cai thầu nhận xây nhà cho cả xóm.Công việc thuận lợi đồng thời vợ cậu cũng sinh được một gái một trai .Trong làng ngoài xóm ai cũng tấm tắc khen ngợi nhà có phúc.

Thế rồi để thêm vốn làm ăn cậu bán bớt một phần đất lấy tiền ,các dì ,các chú chẳng ai dám can ngăn . Có tiền trong tay cậu mở rộng quan hệ làm ăn , đồng thời cũng mở rộng cách tiêu tiền cậu bắt đầu uống rượu , đánh bạc và bê trễ dần công việc , quân của cậu theo đà chủ làm ăn chểnh mảng ,gian dối .Uy tín ngày một mất dần , tiền càng nhanh hết . Cậu lại xắn đất bán thêm chút nữa .Bán đất rồi mà làm ăn vẫn thua lỗ đồng thời vợ cậu lại sinh thêm đứa thứ ba ,một cô con gái nhỏ nhắn xinh đẹp hơn hẳn cả anh chị .Cậu em đã vậy bà hai và cô chị cũng không kém phần . Bà về hưu bán thêm hàng nước, cô chị việc may vá đã vất vả lại thu nhập thấp nên cô chị chuyển sang ghi đề .ghi cho người và cả cho mình nữa nên chả mấy chốc hai mẹ con phải bán gian cửa hàng để chuyển vào nhà trong .Thế rồi cậu cháu đích tôn cụ Cai tuyên bố hùng hồn với cả họ đất này không hợp với cậu nên phải bán đi mua đất mới xây nhà để ổn định kinh tế . Cả họ lại một lần nữa không ai dám can ngăn .Cậu bán cả dinh thự của cụ Cai mua một mảnh đất ở xóm trên , cậu xây được một ngôi nhà ba tầng khang trang rộng rãi ,tầng dưới mở quán hàng nước cô vợ vừa bán hàng vừa trông nhà ,chồng vẫn làm thợ xây và lắp đặt điện nước .Được cái cậu khéo tay nên công việc cũng không thiếu .Hôm hội làng đi lễ chùa qua nhà vợ chồng cậu mời vào uống nước thăm nhà tôi thấy vui và mừng cho cậu . Cô con gái đầu giống mẹ lấy chồng sớm nên hai vợ chồng cậu lên ông bà ngoaị khi tuổi mới 40 .Cậu con trai thứ hai học cùng cô con gái nhà tôi ,cháu cao to và đẹp trai nhưng thi trượt đại học .Sợ cháu phải đi bộ đội vợ chồng cậu nhờ tôi xin cho cháu vào học Trường cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Hà Nội . Xin học cho cháu xong bận công việc gia đình nên tôi không quan tâm đến cháu nữa .nghe nói cháu đã ra trường đi làm ,lấy vợ và đã có con .Cháu lớn nhà tôi cũng đã lập gia đình ,đủ năm công tác tôi làm đơn xin về hưu để chăm nom gia đình và cháu nội .Có thời rảnh rỗi nói chuyện với bà con hàng xóm tôi mới biết gia đình cậu đã bỏ trốn khỏi làng .Ngôi nhà cậu ở bị gán nợ ,vợ cậu vay nợ khắp làng nên không dám về .Ngày bố đẻ mất tận 1giờ đêm vợ cậu mới về thắp cho bố nén nhang rồi vội vã đi ngay .Tôi nghe chuyện mà bủn rủn cả chân tay .Cô con gái út mới 16-17 tuổi đầu đã phải quyết định lấy chồng để có chỗ trú thân . Ngày cưới mấy bà dì phải lo cỗ và cho ở nhờ lấy chỗ đón dâu . Vợ chồng cậu em bỏ làng đi rồi còn hai mẹ con bà hai thuê nhà ở tạm vừa bán hàng nước vừa ghi đề .Chứng nào tật ấy bà chị vẫn vay nợ khắp xóm , lãi mẹ đẻ lãi con, nhà thuê bị họ đòi lại để xây bán .Bà Hai nước mắt lưng tròng đến ở nhờ cô em chồng còn chị thì ngủ nhờ cô hàng xóm . Cuối cùng hai mẹ con cũng thuê được một gian nhà để bán hàng và ở .Bán hàng nước chẳng được bao nhiêu ,ghi đề cũng vậy vì có thắng họ cũng chả nhận được tiền ngay nên chán chẳng ghi nữa .

Ngày tết qua chơi tôi nghe bà Hai kể mọi đồ sắm tết trong nhà đều là hàng xóm cho người thì cái bánh chưng người thì cân táo cân cam nghe não lòng và tội lắm .Đã thế chủ nợ lại luôn thúc ép nên việc gì đến đã phải đến .Một buổi sáng nhà đang có khách tôi thấy bóng bà chị thấp thoáng ngoài cửa tưởng bác hỏi gì xong lại thấy đi .Tiễn khách ra cửa tôi mới biết bác vẫn chờ tôi ở đó bác muốn nhờ tôi giặt hộ hai cái chăn để đóng gói chuyển đi .Chăn nặng bác không bê được nên phải nhờ tôi giúp .Nghe bác nói tôi vội vã mang chăn về giặt và đóng gói sạch sẽ cho bác .Hai ngày sau mẹ con bác chuyển đi ,khi lấy chăn bác nghẹn ngào nói chẳng biết đến bao giờ chị lại nhờ em giặt chăn nữa ,trưa nay chị đi rồi .Cuộc đời là vậy, gia tài hai mẹ con bác gói trọn trong chiếc xe tải nhỏ xíu gia trị nhất chắc là hai chiếc chăn . Nghe nói bác chuyển xuống Giáp Bát thuê nhà cho rẻ để ở và bán hàng ,không ai đưa tiễn nên chẳng ai biết bác thật sự ở đâu .Bàn thờ cụ Cai khi cậu cháu đích tôn bán nhà chuyển sang nhà ông con trai út . Ông mất sớm nhà mặt đường Nguyễn Chí Thanh cho thuê đựơc giá nên bà vợ cùng các con cho thuê cả rồi thuê nhà ở nơi khác .Cực chẳng đã mấy bà con gái họp nhau lại làm giỗ cho các cụ tại nhà bà con gái thứ ba .Còn bà dâu út làm giỗ tại căn nhà thuê.Con cháu chia đôi ngả giận dỗi loạn xạ cả lên chẳng biết các cụ về đâu ăn nữa . Là người dưng con xót quá chỉ cầu mong các cụ ngậm cười nơi chín suối vì sự đời nó là vậy mà thôi.


Hà Nội - tháng 5 - 2010

Bốn "BÀ"

Trương Bích Đào
Có công mài sắt có ngày nên ….”dùi”
(Vì chưa có lỗ nên không thể gọi là …”kim”được .

Trăm năm trăm cõi người ta
Nếu ngồi không mãi thành ra…. “phát…rồ”
Bốn bà nổi máu….. “hung….đồ”
Rủ nhau mở xưởng may đồ…. thời trang
Bước đầu cũng chỉ làng nhàng
Vốn… “dăm trăm triệu” cả làng cùng….lo
Ơn trời , “khéo kéo , khéo co”
Bao đêm mất ngủ , lo cho … “kịp …hàng”
Cơ ngơi giờ đã khang trang
Vốn … “vài tỷ bạc” , bốn “nàng” đều …vui
“Nhục” - “Vinh” cũng bởi con người
Dám làm dám chịu , ở đời mấy ai
Thức khuya mới biết đêm dài
Có vợ như thế chẳng hoài công yêu ….
Đời người phỏng được bao nhiêu ?
Mà không thử vận những điều …..bình…dân

Ai qua tập thể …Nghĩa Tân
Không qua thăm xưởng “Vân - Ngân” ?…
- Phí ..hoài !..
Bốn “bà”….có một …không hai !

Xưởng may

Trương Bích Đào


Chúng tôi lập xưởng may

Chỉ một kỹ thuật vỉên

Còn tất cả là thợ

Đố ai dám cười chê

Xưởng mới mà nghiêm phết

Chẳng ai dám lơ mơ

“Cậu thì may quá ẩu

Chỉ được cái nhanh thôi “

“Bà thì chăm quá mức

Ba giờ chẳng nghỉ ngơi”

2

‘Riêng bà Xuân thật tệ

Nói mà chẳng giữ lời

Ba lần bảo đến học

Chỉ được một lần thôi’

Ngày qua ngày cứ vậy

Kỹ thuật viên mắng tràn

Nên thợ nhanh ra phết

Váy áo đủ kiểu tuôn

Vải dự trữ sắp hết

Đi chợ Ninh Hiệp thôi

Bốn bà hai con ngựa

Thồ đủ thứ tạp nham

Nghe có vẻ hiểu biết

Âý thế mà nhầm luôn

Mua rẻ hoá thành đắt

Chỉ được cái cười tươi

Có hôm mải chọn hàng

Bún miến đều hết sạch

Bốn thằng bốn cốc chè

Kèn mỗi thằng một cái

Thế là đủ bữa trưa

“Xưởng may Vân Ngân” mở

Không nộp thuế doanh thu

Chỉ có Ông quản trị

Ngồi buồn bật nhạc nghe

Không tin bạn cứ đến

Tầng ba A 25

ở đây có xưởng mở

May trốn thuế không lương

Tôi ốm

Trương Bích Đào

Hôm 28.4 đến nhà Chi cắt xong chiếc quần ngố cho ông xã về đến nhà tôi cảm thấy hơi mệt nên nấu cơm xong không ăn mà đi nằm ngay . Ngày 29.4 tôi phải đón khách ở Sơn Tây về Hà nội để đêm bay đi Tây ban nha .Làm cơm ăn xong đưa khách ra sân bay trở về nhà tôi bỗng cảm thấy người rét run và buồn nôn nên tôi vội thay quần áo và lên giường nằm.Cứ như thế bốn ngày trôi qua tôi không ăn uống và ngóc đầu dược dậy .Con cháu thì đi chơi biển nhân dịp nghỉ tết,ông xã thì không quen chăm sóc người ốm nên 4 ngày trời tôi cứ nằm bẹp như vậy .Sang ngày thứ năm các cháu mới đưa tôi đi viện . Hoá ra tôi bị sốt vi rút nhiệt độ lúc nào cũng dao động từ 39,2 đến 39,8 độ uống thuốc hạ sốt sau 4h tôi lại sốt lại ăn vào lại nôn ra mê mệt như vậy 5ngày nữa , toàn thân tôi đau nhức nhất là đầu . Tôi có cảm giác đầu của mình như sắp sửa vỡ tung ,truyền nước truyền đạm rồi thuốc uống v.v Bác sĩ bảo tôi phải đau đầu khoảng hai tuần nữa thì mới đỡ .Mệt bã người mồm thì đắng ngắt tôi ăn uống mà chẳng biết vị gì .Cơm, cháo ,đường ,thuốc tất cả đều một vị đắng như nhau . Mệt mỏi nằm trên giường ngắm trần nhà tôi tưởng tượng ra tất cả ngôi nhà thân yêu của tôi ,từng phòng , từng phòng , từng đồ vật trong ngôi nhà ,cách bài trí bầy biện hay những vật dụng nhỏ như hộp tăm , cây kim ,sợi chỉ. Hồi trẻ tôi rất thích cuốn ‘Và một ngày dài hơn thế kỷ ‘của nhà văn Nga Ai matốp .Tôi thích chuyện đó bởi tôi yêu nhà văn Nga này Ông đã nuôi dưỡng những giấc mơ thời con gái của tôi . Từ Bông hồng vàng đến người thầy giáo già rồi Và một ngày dài hơn thế kỷ v.v.Ngày xưa đọc truyện tôi mới chỉ thấy cái hay trong văn phong suy nghĩ của nhà văn còn giờ sau hơn ba mươi năm lấy chồng sinh con nuôi cháu cả cuộc đời đã trải dài trong những ngày tôi ốm. Tất cả mọi thứ đều hiện ra trong mắt tôi .Ngày lấy nhau chúng tôi chỉ có đôi bàn tay trắng đúng với từ ‘Một túp lều tranh với hai trái tim vàng’với những ước mơ nhỏ bé đầy thiết thực Một cái xe đạp để đèo nhau đi làm ,một chiếc quạt điện , một cái bóng đèn tuýp hay những thứ xa xỉ hơn như một chiếc bàn là hay một cái máy khâu để may vá .Tất cả ,tất cả đều được đổi bằng mồ hôi và nước mắt của chúng tôi .Nỗi vui suớng của chồng tôi khi kiếm được tiền mua cho vợ một chiếc vòng ngọc ưa thích .Nó chỉ có 400 đồng nhưng là món quà giá trị đầu tiên chồng tôi tặng .Ông xã nói ‘ Em đeo nó cho quen tay khi nào có tiền anh sẽ mua chiếc vòng thật cho em lúc đó quen tay em sẽ không lo bị vỡ ‘. Lúc đó một chiếc vòng thật giá trị khoảng 6 cây vàng gấp 20lần chiếc vòng của tôi .Giờ đây tôi vẫn đeo chiếc vòng ngọc giả mặc dù tôi có thể đổi được biết bao chiếc vòng khác . Cứ như vậy tất cả những vật vô tri vô giác đối với mọi người thì đối với tôi nó đều có hồn có tiếng nói thân thương .Tôi gắn bó chia sẻ buồn đau sung sướng đối với chúng và tôi cũng nghiệm ra rằng cuộc sống của tôi không thể thiếu chúng.Còn con trai con dâu hay những đứa cháu tôi tất cả những cái đó không hề có một chút giá trị tinh thần nào hết.Khi cưới con dâu về mặc dù gia đình không được khá giả nhưng tôi cố gắng sắm sửa cho các cháu tương đối đầy đủ .Khi cháu về chúng tôi cũng như tất cả các đồ vật đều có sẵn trong nhà nên nó cũng hiển nhiên như mặt trời mọc ở đằng đông vậy.Các cháu rủ bạn bè đi chơI trên chiếc ôtô mua bằng tiền của bọn tôi ,con dâu tôi hãnh diện khoe với bạn bè về chiếc túi hàng hiệu hay bộ đồ trang điểm xịn của tôi còn tôi nằm bẹp đây sốt trên 39 độ mà không một lời hỏi han hay một cú điện thoại. Tôi không ghen tỵ hay trách móc gì cả. Lỗi là tại tôi đâu phải tại chúng.Đối với chúng tất cả mọi vật xung quanh đều vô tri vô giác giá trị bà mẹ chồng của tôi cũng chỉ ngang bằng osi khi cần người trông trẻ .Nước mắt chẩy xuôi chứ đâu có chẩy ngược và nếu bạn chỉ có nằm thì nước mắt cũng từ từ lăn trên gò má mà rơi xuống chiếu thôi . Văng vẳng bên tai tôi tiếng gọi đò đêm mưa bão .Đường xa trời mưa giữa đồng không mông quạnh quay trở lại không được mưa đói rét ,nếu có đò sang được sông tôi sẽ về nhà được ăn no ,mặc ấm và được ngủ một giấc ngon lành lúc đó sao tôi mong ưứoc có con đò đến vậy ‘ Đò ơi ‘
Giờ đây vợ chồng tôi đã là ông bà nội đẫ trải nghiệm cuộc đời và cũng đã về hưu ,con đò của chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng có mặt đối với con cái dù đường dài vất vả hay giông bão mịt mùng có thể vì thế mà nó chẳng có giá trị hay một chút hồn nào cả và để hiểu được điều đó tôi đã phải ốm liệt giường .Và nếu muốn trải nghiệm được điều đó bạn hãy thử ốm liệt giường mà xem.,.